Quy hoạch chung Hà Nội:  Cân nhắc giữa ước mơ và thực tế

Người dân đến xem triển lãm quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội
Người dân đến xem triển lãm quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội
TP - Ngày 3-6, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức cuộc họp nghe các ý kiến khác nhau về đồ án quy hoạch chung Hà Nội và dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam của đại diện các hội thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (VUSTA).

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thực chất là quy hoạch một hệ thống các đô thị của Thủ đô hay là quy hoạch vùng đô thị của Thủ đô, bao gồm một đô thị trung tâm (TP Hà Nội), 5 đô thị vệ tinh với quy mô loại I, II (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên) và rất nhiều thị trấn (Quốc Oai, Chúc Sơn, Phúc Thọ, Phùng, Tây Đằng, Phúc Thọ, Thường Tín, Văn Điển.v.v...).

Vùng đô thị của Thủ đô còn bao gồm cả Vườn Quốc gia Ba Vì, nhiều danh lam thắng cảnh, các khu di tích lịch sử - văn hóa và vùng nông thôn rất rộng lớn, với tổng diện tích tự nhiên là 3.344,6km2, tổng dân số là 6.350.000 người, trong đó nông dân là 60%, và khoảng 2,2 vạn người dân tộc thiểu số.

Tác động của quy hoạch này đối với kinh tế, xã hội và môi trường là rất lớn, rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều vấn đề lớn liên quan đến phát triển bền vững Thủ đô. Thế nhưng quy hoạch đã coi cả hệ thống (vùng) đô thị Thủ đô Hà Nội như là một đô thị, một thành phố độc lập, nên không lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch này, không trình báo cáo này với Hội đồng Môi trường Quốc gia thẩm định trước khi thẩm duyệt đồ án quy hoạch như quy định của Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT).

Mặt khác, đáng nhẽ, quy trình quy hoạch này phải theo hai giai đoạn và thời gian quy hoạch phải dài hơn mới có điều kiện nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho các giải pháp quy hoạch hợp lý.

Theo đó, giai đoạn 1 là quy hoạch chung cho cả hệ thống đô thị hay vùng đô thị của Thủ đô; sau đó, giai đoạn 2 là quy hoạch chung cho từng đô thị trong vùng. Nhưng ở đây đã coi Thủ đô Hà Nội như là một thành phố độc lập nên đã tiến hành quy hoạch chung xây dựng một giai đoạn cho cả một hệ thống các đô thị của Thủ đô Hà Nội.

Với điều kiện kinh tế-xã hội, khoa học kỹ thuật của nước ta hiện nay và 20 - 40 năm tới, không thể quy hoạch xây dựng cả vùng thủ đô với diện tích 3.344,6 km2 trở thành “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” được.

Trước hết, cần tập trung quy hoạch phát triển, cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang, mở rộng đô thị trung tâm, giải quyết, khắc phục các vấn đề bức bách về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội lạc hậu, ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông để đô thị trung tâm (TP Hà Nội) thực sự trở thành đô thị “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xứng đáng là thủ đô của một nước có dân số gần 100 triệu dân trong thế kỷ 21.

Chuyển trung tâm hành chính quốc gia - bất lợi nhiều mặt

Nói trung tâm hành chính quốc gia (HCQG) không phải là trung tâm chính trị của thủ đô là ngộ nhận. Chuyển trung tâm HCQG lên chân núi Ba Vì là chia cắt trung tâm chính trị của quốc gia, gây bất lợi về nhiều mặt.

Người dân đến xem triển lãm quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội
Người dân đến xem triển lãm quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội . Ảnh: Hồng Vĩnh

Về mặt lịch sử, chuyển trung tâm như thế là thiếu coi trọng giá trị nghìn năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Đấy là chưa kể hàng loạt bất lợi khác về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

Chuyển trung tâm HCQG lên chân núi Ba Vì là chuyển dịch trọng tâm Thủ đô lên phía tây, làm sai lệch Thủ đô Hà Nội là trung tâm của “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” quốc gia và quốc tế, quá xa với trục phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc “Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh” và định hướng phát triển kinh tế của thời đại là “Hướng ra biển”.

Xét riêng khu vực thủ đô, cũng thấy ngược với động lực phát triển KT-XH của Thủ đô. Chẳng hạn, các vùng phát triển công nghiệp chủ yếu ở phía bắc, phía đông và một phần ở phía nam, trong khi định hướng phát triển các đô thị vệ tinh ở phía tây lại có quy mô dân số rất lớn (Sơn Tây 20 vạn dân, Xuân Mai 30 vạn, Sóc Sơn 36,5 vạn, Hòa Lạc 75 vạn). Không hiểu sẽ giải quyết việc làm và nhà ở cho dân số rất lớn ở các đô thị vệ tinh này như thế nào.

Quy hoạch như vậy sẽ gây bất ổn lớn và trên diện rộng, sẽ làm cho việc xây dựng trụ sở chính phủ, các bộ/ngành, các sứ quán ở Hà Nội hiện nay chỉ có tính tạm thời đến năm 2030 và, từ năm 2030, phải thay đổi mục đích sử dụng; ngược lại, ở đô thị chân núi Ba Vì, phải quy hoạch dành đất hàng trăm ha đẹp nhất, dự trữ cho xây dựng trung tâm HCQG, phải đầu tư mới tất cả các trụ sở của trung tâm HCQG rất tốn kém.

Tất cả các hoạt động quy hoạch xây dựng nêu trên sẽ phải đầu tư kinh phí khổng lồ, đặc biệt là khi chưa rõ có chắc chắn cần dùng đến nó trong tương lai không, và như vậy sẽ dẫn đến sự lãng phí kinh tế rất lớn.

Giả sử quy hoạch này được phê duyệt và thực hiện, suốt thời gian hoạt động lâu dài sau này, tổng chi phí vận hành là rất lớn so với giữ nguyên trung tâm HCQG ở Hà Nội hiện nay.

Về mặt xã hội, chuyển trung tâm HCQG lên chân núi Ba Vì sẽ gây ra sự xáo trộn quy hoạch hệ thống giao thông, tạo cơn sốt thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn gia đình ngay cả hiện nay và tương lai lâu dài.

Về mặt an ninh quốc phòng, quy hoạch tập trung các cơ quan quản lý quốc gia vào một địa điểm hẹp cách ly với dân cư (không có nhân dân che chắn, bảo vệ) là điều rất bất lợi về mặt an ninh quốc phòng, các hậu quả chưa thể lường hết được.

Về điều kiện tự nhiên, chân núi Ba Vì chỉ thích hợp là khu vực bảo vệ thiên nhiên, du lịch sinh thái và là vùng tâm linh quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Nơi đây là vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba Vì, là thảm sinh thái thiên nhiên và thảm sinh thái nông nghiệp, rừng đầu nguồn, rất quý giá và rất cần được bảo tồn nguyên vẹn.

Trục Thăng Long hoành tráng – Không rõ để làm gì?

Trục Thăng Long hoành tráng với ước tính đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng không rõ để làm gì. Theo ý kiến của Bộ Xây dựng, “Trục Thăng Long nối Hà Nội với Ba Vì là trục chính của Thủ đô, trên đó sẽ xây dựng các công trình văn hóa có tính biểu trưng quốc gia như Đài Độc lập, giống như đại lộ Champs-Elysees ở Paris, đại lộ Washington DC hay đại lộ trước Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, kết nối văn hóa Thăng Long - Hà Nội với văn hóa xứ Đoài, giải quyết giao thông cho vùng nông thôn phía Tây Hà Nội và có thể làm ngay trục này từ năm 2011”.

Tất cả các lý do về quy hoạch trục Thăng Long nêu ở trên đều là không đúng. Bởi vì đại lộ Champs - Elysees, đại lộ Washington hay đại lộ trước Quảng trường Thiên An Môn, đều chỉ dài khoảng 2,5 - 3,5km, đều nằm ở lõi đô thị, đều thực sự là biểu trưng đường phố văn hóa và lịch sử thủ đô của họ. Còn Trục Thăng Long để nối văn hóa Thăng Long - Hà Nội với văn hóa xứ Đoài là gì?

Văn hóa xứ Đoài là văn hóa truyền thống đặc biệt của một số làng xã nông thôn của tỉnh Hà Tây cũ, cần phải bảo tồn và tôn trọng nó, chứ không thể hòa nhập với văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghìn năm lịch sử để trở thành một thứ văn hóa không phải xứ Đoài mà cũng không phải Thăng Long - Hà Nội nữa. Còn việc giải quyết giao thông cho vùng nông thôn phía tây Hà Nội thì đã có đường 32 và đường Láng - Hòa Lạc.

Quốc Dũng
Lược ghi
MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.